Trang Chính

  Dược Vị

  Toa Thuốc

  Diễn Đàn

  Đăng Nhập

  Đăng Ký

Diễn đàn >> Kiến Thức Phổ Thông >> [Hỏi] Hồng sâm hộp thiếc có dùng được trong bài thuốc bổ khí

<< Đăng Chủ Đề Mới >>
[Hỏi] Hồng sâm hộp thiếc có dùng được trong bài thuốc bổ khí - posted by Đình Nguyễn (Hội Viên)
on March , 26 2019
Chào các thầy.

Em có xem phần dược vị thấy có ghi chú là chỉ có Nhân Sâm Trung Quốc là có dược tính đúng với nhân sâm. Em muốn dùng một số bài thuốc bổ khí như Thập Toàn Đại Bổ, Bổ Trung Ích Khí thì có dùng được Hồng Sâm Hàn Quốc loại hộp thiếc không? Vì lý do chất lượng nhân sâm ở các tiệm thuốc ở đây thật giả lẫn lộn, mua Hồng Sâm Hàn Quốc sẽ chắc ăn hơn.

Xin ý kiến các thầy trả lời giúp em ạ.
 
Replied by VuXQuang (Hội Viên)
on 2019-03-27 22:58:10.0
Chào Đình Nguyễn!
Hồng sâm là do cách chế từ Nhân Sâm mà thành bạch sâm hay hồng sâm, chất lượng của Hồng sâm tốt hơn bạch sâm
Theo tài liệu cổ Nhân sâm có vị đắng, ngọt,tính ôn, vào 2 kinh tỳ và phế. Có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần, ích trí. Dùng chữa phế khí hư, tỳ hư sinh tiết tả, vị hư sinh nôn mửa, bệnh lâu ngày khí hư, mệt mỏi, sợ hãi, tiêu khát. Những người có bệnh thưc tà không dùng được
Liều dùng2-6g/ngày
E nên dùng Hồng sâm là rất tốt.
 
Reply with a quote
Replied by Đình Nguyễn (Hội Viên)
on 2019-03-28 02:09:12.0
Em xin cám ơn thầy. Vậy em yên tâm mua dùng chung với những thang bổ trung ích khí hoặc thập toàn đại bổ.
 
Reply with a quote
Replied by Sinh Sinh Tử (Hội Viên)
on 2019-03-28 07:09:03.0
Mình trích lược bài viết về Hồng sâm của Lương y Nguyễn Tiên (Đà Nẵng, 1 thầy thuốc trẻ thế hệ 9x) viết ngày 04/07/2018 để bạn đọc biết thêm về vị thuốc này.

HỒNG SÂM

Hồng sâm là các củ rễ to được chọn lựa kỹ, ít nhất 37g, hấp trong áp suất cao, sau đó được sấy khô 5-8 tiếng, cuối cùng phơi 1-2 tuần tùy củ sâm to hay nhỏ. Còn Bạch sâm là những củ nhỏ hơn, rửa sạch, phơi khô 1-2 tuần là dùng được.

1. Về địa lý:
Năm 37 - 668 tại phía cực Đông Bắc của Trung Quốc có 1 quốc gia cổ tên là Cao Câu Ly tồn tại, địa phận gồm 2 tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh (Trung Quốc) và bán đảo Triền Tiên bây giờ. Địa hình ở giữa 2 tỉnh này và bán đảo Triều Tiên có 1 dãy Trường Bạch Sơn ngăn trở phía nam và phía bắc, tạo thành 1 tường chắn thiên nhiên vững chắc, đến thời Đường (618-907) của Trung Quốc thì quốc gia này bị đánh chiếm, dân Cao Câu Ly mất nước, tộc người Cao Ly cho đến nay vẫn sinh sống rất nhiều ở 2 tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh. Đến tận năm 918 nhân Trung Nguyên loạn lạc, dân Cao Ly đoạt lại chính quyền nhưng không dám thủ đất phía bắc Trường Bạch Sơn, chỉ phục quốc ở phần đất bán đảo Triều Tiên. Như vậy phía sườn Bắc Trường Bạch Sơn là địa phận Cát Lâm và sườn nam Trường Bạch Sơn là địa phân Bắc Triều Tiên. Đến sau giai đoạn chiến tranh lạnh, dưới sự tác động của lưỡng cực Yalta, Nam Bắc Triều Tiên minh tranh ám đấu kéo dài từ ngày bắt đầu ở năm 1950 đến tận nay. Địa hình núi cao xuyên suốt cả lãnh thổ Bắc Triều, trong khi đó Nam Triều thấp hơn nhiều và dính rất ít vào địa phận Trường Bạch.

2. Về thổ nhưỡng:
Trường Bạch Sơn có địa hình núi lửa không hoạt động với tuyết phủ quanh năm, nhưng Trường Bạch mặt Triều Tiên có lượng lớn gió biển thổi vào mang theo hơi nước, nên tại sườn Nam (phía Triều Tiên) thổ nhưỡng được bẩm thủy hàn, kim, hỏa khí chất sâm ra đúng nghĩa là dưỡng vào thiên thủy, còn mặt Cát Lâm của Trường Bạch thì cũng rất lạnh nhiều tuyết nhưng rõ ràng không thể bẩm thủy khí mạnh như thổ nhưỡng phía Triều Tiên. Cho nên về thổ nhưỡng mà nói thì tiên thiên vốn dĩ Sâm Bắc Triều Tiên đã hơn Sâm Cát Lâm một bậc (đồng thời cần hiểu Sâm Cát Lâm vẫn có thể là Sâm Trường Bạch chính gốc). Hiện nay Nhân sâm có thể mọc ở trong rừng, có thể mọc trên núi hoặc núi tuyết, đa phần sâm hiện tại là sâm nuôi. Sâm được nuôi trong rừng, trên sườn núi thì đất thịt mềm dễ đâm sâu, mọc trên núi tuyết khí hậu băng sơn tuyết địa tốt nhất là núi Trường Bạch nằm về phía cực Đông Bắc Trung Quốc (do đó địa hình nước Nga cũng là nơi khá tốt để sâm mọc, sâm trên đất Nga cũng khá nổi tiếng), chất đất ở địa hình này chủ yếu là đất đá, do đó sâm mọc rừng hoặc sườn đồi củ to rễ sâu, trong khi sâm núi rất khó lớn, củ lâu to cũng như khó dài, sâm núi đặc điểm chung là mọc càng lâu thì râu sâm rụng hết phân hủy làm dinh dưỡng cho sâm, chủ yếu dựa vào chi thể để dinh dưỡng là chính. Hiện nay sâm hầu hết được trồng: sâm tại các tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh vùng Đông Bắc Trung Quốc và Sâm Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) được trồng tại vùng đất thịt (chân núi hoặc sườn núi), củ rất to, có thể to hơn cổ tay người trưởng thành, trong khi đó Sâm CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) tuy cũng là sâm trồng nhưng vẫn được trồng trên địa hình đất đá là chính (do địa hình Bắc Triều chủ yếu là núi đá, đất thịt rất ít), do đó củ sâm có thể to nhưng khó dài (đủ năm vẫn dài).

3. Về cấp sâm:
Hiện nay cả Nam Bắc Triều đều phân theo Thiên, Địa, Nhân (hoặc Lương, lương nghĩa là tốt). Sâm nhập cấp chỉ chiếm 16-20% tổng sản lượng Cao Ly Sâm (trong đó Thiên cấp chiếm 0,5-1%; Địa chiếm 2-4%; còn lại là Nhân cấp). Đặc điểm của Sâm nhập cấp là có chi thể, tùy theo cấp mà hơi giống hoặc rất giống người, sơ bộ phân biệt các cấp như sau: Thiên cấp thì đủ chi thể như người không thừa không thiếu, núm sâm to rõ, da sâm trọn vẹn, chất thịt bên trong liền mạch không có chỗ rỗng, không có phần thịt sâm màu trắng bên trong. Địa cấp tuy có chi thể nhưng dư hoặc thiếu (thường là 1 chân) nhưng rất gần với hình người do đó chỉ cần bấm sửa 1 chút là được, núm sâm hơi nhỏ, da sâm có chỗ bị phá, chất thịt bên trong có chỗ rỗng hoặc thịt trắng (không vượt quá 1/4 phần thịt). Lương cấp hoặc Nhân cấp là sâm tuy có chi thể nhưng so với Địa cấp thì ít giống hình người hơn (nhưng vẫn hình dung ra được), cần tỉa bấm kỹ lưỡng để giống người, phần rỗng hoặc phần thịt trắng bên trong không vượt quá 1/3 phần thịt). Đây là đề mục cơ bản để phân cấp. Không đáp ứng được tiêu chuẩn hình trang giống thân người thì dù đủ năm, đủ lá vẫn bị xếp vào sâm Bất nhập cấp. Hiện nay sâm trên thị trường Việt Nam 7-8 phần (thực tế là nhiều hơn) là sâm Bất nhập cấp hoặc Nhị Hồng sâm. Tại Việt Nam, đơn củ là TP. Sài Gòn, có tiền chưa chắc đã mua được Sâm nhập cấp.

4. Các loại Hồng sâm trên thị trường:
Hồng sâm thường được ép vuông để tiện trí vào hộp và tạo độ thẩm mỹ nhất định. Hầu như các loại Hồng sâm đều đáp ứng được tiêu chuẩn: Tiền vi khổ hậu cam điềm (trước hơi đắng nhẫn, sau thì ngọt) nên nếm vị thường khó đánh giá chất lượng sâm. Chất lượng của Hồng sâm chính phẩm chủ yếu dựa vào: Màu sắc vỏ ngoài, hình dạng + độ lớn đầu sâm (núm sâm, sâm lô), cổ sâm (sâm uyển), các nếp gấp dọc trên sâm, chất cứng mềm của củ sâm và quan trọng nhất là khi phiến mỏng theo chiều ngang miếng sâm có vân hoa cúc (cần đánh giá độ rõ của vân hoa cúc để biết thượng hay thứ phẩm), đồng thời soi dưới ánh sáng thì miếng sâm có độ xuyên thấu. Sau đây là các loại Hồng sâm trên thị trường:

- Hồng sâm nhị đẳng
Còn gọi là Nhị hồng sâm, chủ yếu là sâm trồng tại Trung Quốc, gọi là Nhị đẳng bởi sâm này đa phần thu hái khi chưa đủ 6 năm, sâm dưới 6 năm thì chưa đủ 1 vòng luân hồi của lá nên thành hình không trọn vẹn mà khí cũng bất túc (nói cách khác sâm dưới 6 năm như là một sinh linh bị sinh non vậy), chỉ gồm rễ củ chính và các râu sâm, không có chi thể hoặc chi thể nhỏ. Nhưng trong Nhị hồng sâm cũng phân lớn nhỏ, các củ nhỏ và non nhiều thì cũng hấp nhưng không phơi kiệt như Hồng sâm chính phẩm, chính là loại dưới 1 triệu/kg trên thị trường, loại này đa phần được tẩm đường và thường được dùng vào việc ngâm rượu cho đẹp, khí lực sâm này rất yếu, nếu dùng đồng lượng chưa chắc đã hơn Phòng Đẳng sâm, nếu là Chính phẩm Đẳng sâm thì Nhị Hồng càng kém xa. Các củ Nhị Hồng lớn thì củ lớn mà tu cũng hơi lớn được bào chế tương tự Hồng sâm chính phẩm, người ta vặt hết tu (râu) để làm các chế phẩm sâm như trà sâm, dịch sâm... Còn phần củ chính thì phiến lát và gọi là Cát Lâm Sâm. Sâm này vẫn thấy được vân mặc dù vân không rõ (nếu không thấy luôn thì khả năng lớn là Sâm tẩm đường, đa phần mất nhiều chất, loại này tuyệt đối nên tránh luôn), thường được bán với giá tầm 1,3-1,8 triệu/kg trên thị trường. Loại sâm này thực ra kê vào đơn khó kiếm lời, vì dẫu kê 6g lực vẫn không mạnh, nếu kê bội lên tăng giá, chi bằng bội Phòng Đẳng sâm, Hoàng kỳ (mặc dù không vào được nguyên khí như sâm, không có tính chất "đại lực thần" như sâm).

- Chính phẩm Hồng sâm Cát Lâm và Hồng sâm Hàn Quốc:
Cả 2 loại không quá khác nhau về cách chế nên nhìn chung có sắc diện khá giống nhau. Bên ngoài có màu vàng hoặc vàng hơi đỏ nâu sẫm (hoàng bì), đầu sâm thô to, cổ sâm ngắn mà rõ ràng và to, trên thân sâm có nhiều nếp dọc dày đặc. Khi phiến ngang thì thấy thiết diện có sắc đỏ nâu (xích tâm). Quan trọng nhất: khi phiến ngang củ sâm thấy được "vân hoa cúc", vân càng rõ ràng thì càng là thượng phẩm, đồng thời soi dưới ánh sáng thấy được độ xuyên thấu của lát sâm, nhưng không nhất thiết phải quá trong, độ xuyên thấu không thể hiện phân cấp độ.
Sâm này có thể kê được vào thang thuốc bằng cách phiến chưng mật gừng, mỗi thang 1 lát cho bệnh nhân, khi uống rót thuốc đang nóng vào bát đã để sẵn 1 lát sâm mật (hoặc lát sâm phiến không ngâm tẩm mật cũng được) đợi thuốc âm ấm vừa uống thì sâm vừa ra 1 phần, uống hết thuốc nhai luôn cả bã sâm, thang thuốc vừa quý, dược lực lại vừa mạnh, là cách thích hợp nhất cho các thang có kê sâm.

- Hồng sâm Bắc Triều Tiên:
Riêng Hồng sâm Bắc Triều chỉ gia công hơi khác chút nên hầu như đánh giá giống cách trên nhưng khác chút ở màu vỏ và màu thịt sâm. Có thể thấy chất vỏ nâu sẫm đậm là chính, vàng khá ít, phiến cắt ngang qua cũng đánh giá "vân hoa cúc" y như trên nhưng sắc thịt cũng nâu đỏ là chính.

Như vậy: Do tính chất địa lý, thổ nhưỡng, nên so về chất lượng thì Hồng sâm Bắc Triều Tiên là tốt nhất, khí nồng lực lớn, nhưng về thẩm mỹ thường kém xa so với Sâm Hàn Quốc. Nếu xét dược lực của Sâm Hàn và Sâm Cát Lâm thì chưa chắc Cát Lâm đã kém hơn, nếu thực sự sâm tại sườn Bắc Trường Bạch Sơn thì rất có khả năng là sức vượt Sâm Hàn, chỉ thua Sâm Bắc Hàn tại sườn Nam Trường Bạch nửa bậc đến 1 bậc. Hiện nay loại Sâm Cát Lâm phiến giá 1,3-1,8 triệu/kg đúng ra là phải gọi là Nhị Đẳng Hồng Sâm Cát Lâm (đã phân tích ở Nhị Hồng sâm). Lại nói Sâm Cát Lâm tại Trung Quốc thực tế chưa hẳn là được trồng tại Cát Lâm, có thể trồng tại Liêu Ninh hoặc các tỉnh lân cận hoặc địa phương có khí hậu tương tự, nhưng luôn được gọi là Sâm Cát Lâm, điều này cũng giống như Sâm Hàn luôn tự gọi sâm nó là Sâm Trường Bạch, trong khi đó địa phận Trường Bạch ở Hàn là rất ít địa hình Hàn núi không cao như Bắc Hàn.
 
Reply with a quote
Replied by Đình Nguyễn (Hội Viên)
on 2019-03-28 07:55:23.0
Cám ơn bạn đã chia sẽ bài viết. Mình đã đặt mua Hồng Sâm Hàn Quốc. Đọc xong bài này mình đặt thêm thử sâm Bắc Triều Tiên về dùng thử và so sánh kết quả.
 
Reply with a quote


<< Trả Lời >>

Nội Quy | Góp Ý | © 2009 - 2022 yhoccotruyen.org