Trang Chính

  Dược Vị

  Toa Thuốc

  Diễn Đàn

  Đăng Nhập

  Đăng Ký

Diễn đàn >> Kiến Thức Phổ Thông >> trần bì và hương phụ

<< Đăng Chủ Đề Mới >>
trần bì và hương phụ - posted by giapxuanduong (Hội Viên)
on October , 29 2013
Xin các thầy giải thích giúp em câu "nam bất thiểu trần bì nữ bất ly hương phụ"
 
Replied by giapxuanduong (Hội Viên)
on 2013-10-29 23:07:06.0
Không thầy nào giúp e ạ hic hic
 
Reply with a quote
Replied by Sinh Sinh Tử (Hội Viên)
on 2013-10-30 00:22:32.0
Chào Giapxuanduong.
Người xưa đã nhận định: Nam bất thiểu Trần bì, nữ bất ly Hương phụ.

Theo Đông y, nam giới thuộc dương và phần khí trong người cũng thuộc dương. Nam giới thường uống rượu, thích ăn những món chiên xào, nhiều chất béo bổ... mà theo Đông y, những chất béo, rượu cay nóng... sẽ làm cho tỳ vị bị tổn thương, không vận hóa được thức ăn. Thức ăn bị đình trệ lâu ngày, hóa thành thấp, rồi sinh ra đờm. Vào những ngày thời tiết lạnh càng ảnh hưởng nhiều đến hệ hô hấp, khiến họ cảm thấy như trong họng lúc nào cũng vướng đờm, khó thở.

Trần bì vị cay đắng, tính ôn, quy kinh Tỳ, Phế. Trần bì lý khí điều trung, táo thấp hóa đàm. Chủ trị các chứng: tỳ vị khí trệ, khí hư, đầy bụng ăn không tiêu, đàm thấp ứ trệ, phế khí mất tuyên thông. Trần bì hợp với nam giới, điều đó không có nghĩa là Trần bì lại không dùng cho nữ giới.

Theo Đông y, nữ giới lấy huyết làm gốc. Kinh nguyệt, huyết trắng, mang thai, sinh và nuôi con đều mất huyết, nếu cơ thể yếu thì rất dễ sinh bệnh. Cổ nhân có câu: phụ nữ khí thường hữu dư, huyết thường bất túc (thừa khí nhưng thiếu máu). Bình thường phụ nữ đã ở trạng thái huyết không đủ, khí lại thừa nghĩa là khí huyết không điều hòa, mà khi khí huyết không điều hòa thì có thể gây bệnh. Chu Đan Khê cho là nếu khí huyết xung hòa, thì không thể sinh bệnh, song nếu có uất thì có thể sinh ra mọi bệnh. Khi có uất ức, bực tức, khí cơ bị rối loạn, can sẽ mất sự điều đạt và can khí sẽ uất lại. Khí uất lâu có thể hóa hỏa gây hỏa uất. Khí là soái của huyết, khí uất có thể gây huyết uất. Khi có suy tư, thắc mắc nhiều thì can khí sẽ khắc tỳ, tỳ bị khắc thì khả năng kiện vận sẽ giảm sút và sinh đờm thấp. Khi đó đờm và khí cùng kết uất lại thành đờm khí uất kết. Khi thấp trọc không hóa được, thì thức ăn không được tiêu hóa tốt, ứ trệ gây thực trệ và dẫn đến thực uất. Đờm thấp uất lâu cũng dễ hóa nhiệt. Khi bị uất lâu sự thăng giáng của khí không thông lợi, tỳ mất kiện vận, việc sinh sản ra khí huyết sẽ giảm, làm cho tâm tỳ hư. Còn khi uất đã hóa hỏa thì có thể làm tổn thương âm huyết, tức là tổn thương can thận. Như vậy khi khí uất dẫn đến thấp đờm uất, huyết uất, thực tích thì còn là chứng thực. Song khi bệnh lâu sẽ dẫn đến tỳ hư, tâm hư, can thận hư. Bệnh tình sẽ phức tạp hơn lên.

Hương phụ vị cay hơi đắng hơi ngọt, tính bình, quy kinh Can, Tam tiêu. Hương phụ sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống. Chủ trị các chứng: Can khí uất trệ, sán khí thống, kinh nguyệt không đều, thống kinh, nhũ phòng trướng thống. Sách Bản thảo cương mục: Hương phụ lợi tam tiêu giải lục uất, tiêu ẩm thực tích tụ, đàm ẩm bí mãn, phù thũng phúc trướng (mu bàn chân phù, bụng trướng), cước khí, các chứng đau tim, đau bụng, đau lợi răng, đau chân tay, đầu mặt, tai..., phụ nhân băng lậu đới hạ, kinh nguyệt không đều, bách bệnh của phụ nữ trước và sau sinh. Hương phụ được dùng để trị nhiều chứng bệnh khác nhau, không những là thần hộ mạng với nữ giới mà cũng có ích với các bệnh của nam giới.

Trần bì và Hương phụ là hai vị thuốc dân dã của người dân quê, rất hiệu quả và an toàn từ xưa tới nay. Trần bì chính là vỏ quýt phơi khô được người dân xỏ thành xâu treo trong nhà để phòng khi hữu sự. Hương phụ là loài cỏ khó diệt, có một bản năng sinh tồn rất mãnh liệt do bộ rễ chằng chịt bám sâu trong đất, còn hạt thì nằm an toàn trong ruột trâu bò và cứ thế phát triển khắp mọi nơi.

Thông tin này tôi tổng hợp để anh tham khảo.
 
Reply with a quote
Replied by giapxuanduong (Hội Viên)
on 2013-10-30 08:48:59.0
Cảm ơn bác nhé.
 
Reply with a quote
Replied by PhoHVB (Hội Viên)
on 2013-11-01 20:20:19.0
Chào giapxuanduong,
Đây là câu nói của người xưa, bạn Nông Giang đã giải thích rất đúng về ý nghĩa của câu nói. Sở dĩ có câu nói này là vì xã hội thời trước trọng nam khinh nữ, ngoài xã hội thì phụ nữ không được quyền biểu lộ ý kiến của mình, ở nhà thì phải phục tùng chồng, đàn ông có thể lấy nhiều vợ và có quyền bỏ vợ nhưng đàn bà thì không được bỏ chồng, v.v những phong tục này khiến cho người phụ nữ thời trước phải chịu nhiều uất ức mà vị Hương phụ chính là vị để hành khí giải uất vì vậy mới có câu nói "nữ bất ly Hương phụ".

Ngày nay thì xã hội bình đẳng, ngoài xã hội thì người nữ có thể làm lên tới tổng thống, trong các hãng xưởng thì phụ nữ làm xếp lớn rất nhiều, trong gia đình thì các ông chỉ được lấy 1 vợ và các bà thì có quyền đá (bỏ) các ông ra khỏi nhà nếu các ông không tuân thủ quyền bình đẳng, các ông thì không giám bỏ vợ vì luật pháp bây giờ bảo vệ phụ nữ nên các ông sẽ bị rất nhiều thiệt thòi. Nếu các ông đưa đơn ly dị ra tòa mà gặp nhằm bà chánh án xử là kể như rồi đời. Ngày nay chính các ông là người phải chịu nhiều uất ức chứ không phải các bà. Vì vậy vị Hương phụ ngày nay được dùng cho các ông là chính, phụ nữ rất ít phải dùng tới. Các câu nói dân gian cần phải được xem xét và áp dụng cho đúng. Có rất nhiều câu nói và bài thuốc phân biệt cho nam nữ nhưng đây chỉ là những câu nói trong dân gian, trong Đông y chỉ có âm dương và ngũ hành, không phân biệt nam nữ. Tôi vẫn dùng các toa điều kinh cho các ông và các toa bổ thận tráng dương cho các bà. Thuốc theo bệnh chứ không theo nam nữ.
Phó
 
Reply with a quote
Replied by HongTim (Hội Viên)
on 2013-11-02 08:00:43.0
Thầy Phó quả là tinh tường, đúng là mọi thứ cần phải được nhìn nhận và áp dụng theo tình thế, thế thời. Thầy Phó giải thích thuyết phục quá nhưng ở Việt Nam phụ nữ vẫn còn phải dùng Hương Phụ nhiều lắm thầy ạ. Vấn đề bình đẳng giới ( gender equality) mặc dù đã có nhiều tiến bộ hơn nhưng vẫn còn nặng nề, phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, uất ức, đàn ông ít khi chia sẻ việc nhà hay tình cảm.

Hongtim
 
Reply with a quote


<< Trả Lời >>

Nội Quy | Góp Ý | © 2009 - 2022 yhoccotruyen.org